Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

Làm giàu từ ...sắt vụn

Năm 1993, ông Trần Mạnh Lưu đã táo bạo thành lập công ty chuyên sản xuất bếp nướng xuất khẩu Trường Thành. Trải qua bao khó khăn, từ nguồn vốn ít ỏi 577 triệu đồng, đến nay, ông đã có trong tay số tài sản lên đến gần 60 tỷ đồng. Ông Trần Mạnh Lưu, sinh năm 1930, trong một gia đình nghèo tại làng Bồ Đề, Bình Lục, Hà Nam. Ngay từ nhỏ, ông đã sớm có ý thức phải làm giàu để thoát nghèo. Rời quân ngũ tháng 3/1956 với thương tật 4/4, ông vẫn tin tưởng "thương binh tàn nhưng không phế" và tự hứa với bản thân sẽ quyết tâm làm giàu. "Chiến tranh ác liệt cũng chẳng sợ huống chi thời bình. Tôi quyết tâm làm giàu như để trả nợ, tôi đã nợ người thân, gia đình, bạn bè và nợ chính mình", ông nói. Nhìn những đống sắt vụt, đồ phế thải hàng ngày bị người dân đổ đi rất lãng phí, ông nghĩ, nếu biến được sắt vụt, đồ phế thải thành tiền, thành vàng là ông đã trả được nợ cho những người thân yêu của mình. Những ngày đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn, trong túi không một đồng xu biết bắt đầu bằng cái gì. Với phương châm "Tự mình phải cứu lấy mình và mình phải cứu được những người khác", một ý tưởng chợt loé, hãy bắt đầu bằng bàn tay trắng những cái nhỏ nhất. Nghĩ sao làm vậy, ông quyết định thành lập tổ sản xuất chuyên thu gom các chất phế liệu sắt thép vụn. Chẳng ai tin cách làm của ông là đúng vì vậy, thời gian đầu, nhân lực ở tổ sản xuất chỉ vẻn vẹn có vài người (đều là anh em bè bạn và những người thân trong gia đình). Công việc cứ ngày một tiến triển, uy tín tăng dần, tiếng lành đồn xa, tổ sản xuất phế liệu của ông bắt đầu gia tăng quân số. Không dừng lại ở đó, đối với ông muốn làm ăn lớn phải mở rộng sản xuất thêm nhiều ngành nghề khác nhau. Ông bắt đầu quan tâm đến mặt hàng cơ khí. Ông kể, năm 1982, lúc bấy giờ hệ thống máy xay xát vẫn còn khá xa lạ với người dân, hầu hết mọi người vẫn còn phải giã gạo bằng tay cực nhọc nhưng gạo ăn vẫn hẩm không đủ độ trắng. "Cần phải có sự đổi mới", ông nói. Kinh doanh những gì người dân cần là thắng lớn, ông quyết định nhập về các thiết bị phụ tùng về để tự lắp ráp máy xay thóc. Được sự động viên của vợ và 6 cậu con trai ông hăm hở làm sau nhiều lần thất bại, chiếc máy sát gạo đầu tiên cũng đến được tay người dân. Chưa bằng lòng với những gì đã có, ông lại quyết định mở rộng mặt hàng kinh doanh và ý tưởng sản xuất các thiết bị vệ sinh và sản phẩm lò nướng ra đời. "Nguyên liệu sẵn có chỉ cần chăm chỉ chịu khó và có ý tưởng sáng tạo là ta sẽ làm được", ông nói. Lô hàng đầu tiên bị hỏng, ông gần như trắng tay, không có tiền, ông tiếp tục chạy vạy vay anh em, bè bạn và chấp nhận thế chấp ngân hàng chịu lãi suất để tiếp tục kinh doanh. Với ông "thất bại là mẹ thành công", bằng bộ óc và kiến thức đã được học ở quân ngũ, ở trường đời, ông tiếp tục động viên các con cố gắng học tập và ông lại gượng đứng lên để kinh doanh. Nhờ tấm lòng nhân hậu và cái tâm trong sáng của một người lính, dù thất bại nhưng tổ sản xuất của ông vẫn giữ nguyên được quân số, công nhân nể phục nên họ tin vào ý tưởng của ông. "60 tuổi đầu, không còn nhiều thời gian để dành cho những ý tưởng mạo hiểm", ông bộc bạch. Khi uy tín của ông đã được nâng nên, sản phẩm đã được nhiều người biết đến, năm 1993, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Trường Thành chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí và ông giữ vị trí giám đốc điều hành khi đã bước sang tuổi 64. Ông kể, năm 1996-1997, bước vào cơ chế thị trường, mặc dù, mặt hàng của ông về cơ bản đã có uy tín và chất lượng nhưng để xuất khẩu được sang các nước còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng, kỹ thuật và tiêu chuẩn cao. Năm 1996, lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Đức bị trả về, ông phải chịu tổn thất trên 6 tỷ đồng. Nhưng bằng ý chí của một người lính, ông vẫn gượng đứng lên, mọi cố gắng của ông đã được đền bù xứng đáng. Cũng trong năm ấy, sản phẩm lò xấy gỗ của Trường Thành đầu tiên đã được xuất khẩu sang Mỹ trị giá trên 4 tỷ đồng. Tuy số tiền không lớn nhưng là một sự động viên rất lớn đối với vị giám đốc đã luống tuổi này. Hiện tại, Trường Thành đã có tài sản riêng trị giá lên đến 15 tỷ đồng trong đó doanh thu từ các sản phẩm của công ty cứ tăng đều hàng năm từ khi mới thành lập chỉ có 577 triệu đồng đến năm ngoái đã đạt 55,8 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm nay, công ty đạt con số doanh thu 58 tỷ đồng. Các sản phẩm cơ khí của Trường Thành 100% được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Giải quyết lao động thường xuyên cho 135 người và bán thường xuyên 4.000 người, lương bình quân 700.000 đồng/tháng. Bước sang tuổi 74, cái tuổi xưa nay hiếm, không có nhiều thời gian để đếm hết số huân huy chương đã nhận, nhưng giám đốc Trần Mạnh Lưu vẫn cảm thấy mình chưa công hiến được gì cho gia đình, cho xã hội. "Tôi còn nợ nhiều lắm, 5 đứa con trai tôi, đều là chủ các doanh nghiệp sản xuất, chúng sẽ thay tôi trả nợ cho đời", ông nói.

Không có nhận xét nào: