Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

"anh nhà quê"...và cty 2 tỉ USD

Từ một “anh chàng lôm côm, ngoại đạo” (lời thú nhận của chính nhân vật), Bùi Quang Tuyến đã nắm được cơ hội để khẳng định vị trí tại mạng di động phát triển nhanh nhất Việt Nam, với doanh thu năm 2008 dự kiến gần 2 tỉ USD. Chọn công ty vì "nghe có vẻ oai"Năm 2001, trước khi thi tuyển vào Công ty điện tử viễn thông Quân đội (Viettel), Tuyến đang có một việc với thu nhập cao, ổn định tại một công ty kinh doanh dịch vụ giải trí. Điều làm Tuyến không cảm thấy thoải mái lắm là công việc tại đây chỉ bắt đầu vào 8 giờ tối và kết thúc vào khoảng 1-2 giờ sáng. "Chẳng nhẽ cả ngày mình cứ đi ngủ?", Tuyến tự hỏi mình như vậy rồi quyết định đi tìm cơ hội mới. Viettel là nơi mà Tuyến chọn để nộp đơn, đơn giản bởi tên công ty này “nghe có vẻ oai”. Vào làm việc tại Viettel nhưng Tuyến vẫn đồng thời làm việc bình thường tại công ty cũ bởi thu nhập tại Viettel lúc đó "nếu phải nuôi vợ, nuôi con thì chết dở" và việc này kéo dài gần 3 năm.Năm 2003, Tuyến được chuyển lên phòng kinh doanh của Viettel giữ chức phó phòng. Vào thời điểm đó, việc kinh doanh dịch vụ VoiP với thương hiệu 178 của Viettel phát triển khá mạnh, Tuyến cũng bắt đầu làm quen với việc kinh doanh dịch vụ viễn thông a. Cuối năm 2004, khi Viettel mới triển khai cung cấp dịch vụ thông tin di động, Tuyến được điều chuyển về Viettel Mobile (Trung tâm điện thoại di động) để giữ chức Trưởng phòng bán hàng phụ trách khu vực phía Nam. Làm việc tại đây được vài tháng, Tuyến xin gặp ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc Viettel để nộp đơn xin thôi việc vì có quá nhiều chuyện bức xúc trong công việc và cảm thấy mình không có "điểm tựa" tại Viettel, với 3 không: không thân quen, không đảng (không phải là Đảng viên), không lính (không phải là người trong quân đội).Thế nhưng, khi nói về vấn đề xin thôi việc, điều khiến Tuyến cực kỳ bất ngờ là ông Hùng không trả lời về việc đó mà lại hỏi: "Có bao giờ em nghĩ tới chuyện bỏ vợ chưa?". Tuyến ngơ ngác không hiểu gì thì ông Hùng lại hỏi tiếp: "Thế đến mức như thế nào thì em bỏ vợ?". Lúc đó Tuyến cũng vẫn không hiểu nhưng cũng thành thật trả lời: "Thú thật là em chưa nghĩ tới chuyện này bao giờ". Sau đó ông Hùng nói với Tuyến đại ý là, các nhân viên tại Viettel cũng giống như những thành viên trong một gia đình. Khi gia đình gặp khó khăn thì mọi người phải xúm lại, cùng nhau giải quyết khó khăn chứ không nên bỏ đi. Rồi ông này kết luận: "Em cứ làm thật tốt cái việc của em đi đã, khẳng định mình đi đã rồi ra đi cũng chưa muộn. Khi đó anh sẽ để em đi, còn bây giờ đi là em thất bại thực sự rồi". Nghe xong, Tuyến quyết định ở lại.Cơ hội đến từ... khủng hoảngCuối năm 2005, tại Viettel Mobile xảy ra một biến cố lớn. Phó giám đốc kinh doanh và Trưởng phòng chiến lược kinh doanh của Viettel Mobile - hai người được coi là linh hồn của bộ phận kinh doanh tại đây quyết định xin thôi việc. Sự ra đi của 2 nhân sự chủ chốt này cũng kéo theo sự ra đi của nhiều nhân viên có năng lực tại các bộ phận khác của Viettel Mobile. Mạng di động có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam lúc đó đứng trước một cuộc khủng hoảng nhân sự rất lớn mà vị trí phó giám đốc kinh doanh là chiếc ghế “nóng” nhất. Vào thời điểm đó, Tuyến là người được vị Phó giám đốc kinh doanh sắp ra đi tiến cử vào "chiếc ghế nóng" và đề nghị này đã được Ban giám đốc của Viettel chấp nhận.Khi được bổ nhiệm vào chức Phó giám đốc kinh doanh Viettel Mobile, bản thân Tuyến cũng cảm thấy chức vụ này quá lớn với mình. Vào thời điểm đó, "100 người tại Viettel thì có tới 98 người phản đối và không tin vào tính đúng đắn của quyết định bổ nhiệm này", ông Nguyễn Mạnh Hùng tiết lộ. "Thằng đó làm sao làm được, thằng đó chỉ làm vài tháng là "đứt", phó giám đốc thử việc ấy mà..." là những nhận xét dành cho Tuyến khi nhậm chức. Bản thân Tuyến cũng thừa nhận: "Mình là một thằng lôm côm, ngoại đạo trong ngành viễn thông, chả được ai biết đến. Trong công ty cũng có nhiều người có kinh nghiệm, kiến thức về ngành viễn thông hơn mình". Cái khó nhất của Tuyến là phải đảm nhận một vị trí mà người tiền nhiệm có sự ảnh hưởng quá lớn của dấu ấn cá nhân với tính quyết đoán, sự nhạy bén trong kinh doanh, khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ như một thùng thuốc nổ, và kéo theo đó là những thành công liên tục. Chưa hết, trước đó, Tuyến chỉ toàn lo chuyện bán hàng, tổ chức kênh phân phối tại phía Nam, đâu có biết gì về marketing, chăm sóc khách hàng, cũng đâu biết gì về cách thức phối hợp giữa các phòng ban về kinh doanh với khối kỹ thuật... Người được coi là chỗ dựa vững chắc cho công việc này (Trưởng phòng chiến lược kinh doanh) cũng đã rời Viettel cùng thời điểm.Cách làm khác vì không có cách nào khác!Khi báo cáo với Ban giám đốc Viettel về chương trình hành động sắp thực hiện, Tuyến cũng thừa nhận: "Tôi biết là khối kinh doanh bây giờ rất yếu, nhưng chúng tôi sẽ có cách làm khác". Cách làm khác của Tuyến là dựa vào teamwork (làm việc nhóm) nhiều hơn. Trên thực tế, Tuyến cũng không có cách nào khác.Hằng ngày, Tuyến tận dụng tối đa các cơ hội cùng anh em nhân viên hội thảo để tìm ra các giải pháp kinh doanh. Ngoài việc hợp sức mọi người cùng suy nghĩ, một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà các cuộc hội thảo này đem lại là tăng cường kiến thức cho tất cả mọi người trong đó có chính bản thân Tuyến. Tuyến coi mỗi cuộc hội thảo với anh em như một trận đánh và ngày nào Tuyến cũng "đánh trận" dưới một hình hình thức nào đó. Giai đoạn đó, chiếc bảng trong phòng họp tại Viettel Mobile lúc nào cũng kín đặc chữ bởi những "trận đánh" Tuyến cùng các đồng nghiệp, nhân viên tại Viettel Mobile tiến hành. Trong số các thước đo kiểm chứng thành quả của teamwork mà Tuyến cùng các đồng nghiệp và anh em cấp dưới thực hiện, một cửa ải kiểm chứng quan trọng bậc nhất là cái mà Tuyến gọi là "đi báo cáo "bác" Hùng (ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó Tổng giám đốc Viettel) về các kế hoạch, chương trình cần được thực hiện". Trước buổi báo cáo, Tuyến và các anh em tại Viettel Mobile phải làm việc nhóm, hội thảo, cãi nhau ơm tỏi... để chuẩn bị, giống hệt như chuẩn bị đi thi sát hạch. Trong những lần "đi báo cáo "bác" Hùng", nhiều lần Tuyến cùng cả "bộ sậu" của mình phải cum cúp quay về làm lại để "đi báo cáo "bác" Hùng lần nữa". Lúc đó, Tuyến và cả "bộ sậu" giống hệt như những anh học trò không thuộc bài, bị điểm kém, phải về học lại để thi lần sau. Tuyến kể lại: "Lên báo cáo, bị ông ấy (chỉ ông Hùng - PV) vần, ông ấy vật, ông ấy xoay, ông ấy khảo... ông ấy làm mình và anh em dở khóc dở cười nhiều bận". Tuyến nói tiếp: "Nhưng mà khi bị đẩy vào chân tường, mình và anh em lại tìm ra đường đi. Còn khi ông ấy hỏi, mình không biết thì cứ bảo là không biết chứ... sợ gì. Thế cho nó... mát" (cười hề hề). Rồi Tuyến tâm sự: "Trước đây, các anh ấy giỏi hơn thì làm một lần là được, mình kém hơn thì mình dựa vào anh em nhiều hơn và làm đi làm lại nhiều lần đến khi được thì thôi".Chuyện điều hành “bốc khói” trên đầuTrong khi tìm mọi cơ hội để hội thảo để tìm hiểu về công việc, vấn đề đau đầu nhất đối với Tuyến là việc vẫn phải xử lý, quyết định các công việc hằng ngày khi mà bản thân Tuyến cũng chưa hiểu rõ công việc đó ra sao. Thời gian đó, cứ vào khoảng 6-7 giờ tối hằng ngày, thời điểm các công việc sự vụ tạm thời bớt đi, Tuyến luôn có cảm giác "bốc khói" trên đỉnh đầu vì hàng loạt các vấn đề kinh doanh cứ luẩn quẩn ở trong đầu.Tuyến cười rất tươi khi kể lại cách "tư vấn" cho nhân viên về những vấn đề được hỏi ý kiến mà chính Tuyến cũng chưa hiểu gì: "Đầu tiên là bắt giải trình trước để mình xem cái đó là cái gì. Sau khi vỡ ra một ít rồi thì hỏi nguyên nhân nằm ở đâu, rồi giải pháp ra sao? Nếu hỏi giải pháp mà chưa có thì hỏi là đã thảo luận trong phòng chưa? Nếu chưa thì về ngồi lại với anh em trong phòng nghĩ tiếp, đến khi tìm ra một số giải pháp rồi thì lên báo cáo lại. Còn khi đã đề xuất được giải pháp rồi thì mình sẽ quyết dựa theo 3 tiêu chí xếp theo thứ tự hồi đó là: nhanh, chuyên nghiệp, hiệu quả. Khi quyết thì mình cũng dựa vào ý kiến của anh em và cũng dựa cả vào trực giác nữa; còn đúng hay không thì phải có... hậu quả mới biết (cười)".Nhưng không phải lúc nào Tuyến cũng có thể bắt nhân viên mình tuân theo đúng những quy trình, nguyên tắc như vậy. Trong không ít trường hợp, khi đang ngồi trên xe ô tô đi công tác, nhân viên gọi điện để hỏi ý kiến và buộc phải quyết định ngay về những vấn đề khẩn cấp mà bản thân Tuyến cũng chưa hiểu, Tuyến hỏi lại ý kiến về giải pháp của nhân viên mình rồi... quyết đại. "Lúc đó thì phải dựa vào trực giác thôi chứ làm gì có cách nào khác", Tuyến lại cười hề hề khi nói về những quyết định kiểu... quyết đại của mình.Có bao nhiêu lần Tuyến ra quyết định sai vì... quyết đại thì bản thân Tuyến cũng không nhớ hết. Thế nhưng, các điểm nóng về hoạt động kinh doanh của Viettel Mobile có sự góp sức điều phối của Tuyến thì đều "hạ nhiệt". Trả lời về việc phải "quyết đại" nhiều lần mà không "đứt" (mất chức), Tuyến lại cười hề hề và nói: "Chắc chắn là mình đã rất may mắn". Cùng với những lần chuẩn bị để “đi báo cáo “bác” Hùng”, những lần bị “đẩy vào chân tường”, những cuộc hội thảo liên tục với anh em về chuyên môn, những chuyến đi công tác thường xuyên để nắm tình hình... và cả những kinh nghiệm xương máu khi “quyết đại”, số lượng quyết định kiểu “quyết đại” của Tuyến giảm nhanh chóng.Một giấc mơ không “nhà quê, lôm côm”...Mặc dù không tạo được những ấn tượng mạnh như người tiền nhiệm, cũng không nổi bật trong vai trò của một thủ lĩnh nhưng Tuyến cùng đội ngũ của mình tại Viettel Mobile (nay là Viettel Telecom) đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra những kết quả phát triển đáng kinh ngạc của mạng di động Viettel. Nếu cuối năm 2005, tổng số lượng thuê bao lũy kế của Viettel mới chỉ đạt hơn 1 triệu thuê bao thì đến cuối tháng 5.2008 con số thuê bao lũy kế đã đạt trên 30 triệu thuê bao, số thuê bao thực theo cách tính của Bộ Thông tin và Truyền thông là gần 20 triệu thuê bao - một tốc độ phát triển chưa từng thấy đối với một mạng di động tại Việt Nam. Nếu trước đây, Tuyến chỉ là một Trưởng phòng phụ trách bán hàng ở phía Nam với doanh số chưa tới chục triệu USD/năm thì năm 2008, với vị trí Phó giám đốc Viettel Telecom, Tuyến phải phụ trách về kinh doanh, bán hàng của một công ty có doanh số lên tới gần 2 tỉ USD/năm.Quản lý một hệ thống kênh phân phối lên tới hơn 60.000 điểm bán và dự kiến còn tăng lên 100.000 điểm bán vào năm sau, lúc nào Tuyến cũng cảm thấy mình cần phải đẩy nhanh mọi việc. “Mình thường nói với anh em, nếu em chỉ cần chậm một giờ thôi thì đã làm chậm tới 60.000 giờ của người khác, mà thời gian đó tương đương với gần 7 năm. Còn nếu các em chậm một ngày tức là chậm tới gần 170 năm với người khác tức là hơn 2 đời người rồi đấy... Đây cũng là điều mình luôn tự nhắc bản thân khi làm việc bởi bất kỳ một hành động nào của Viettel cũng có những tác động rất lớn đối với xã hội: không chỉ với hệ thống kênh phân phối mà còn là hàng chục triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ của Viettel nữa. Điều này cũng là áp lực khiến mình cũng như toàn bộ anh em tại Viettel phải không ngừng học tập và tiến bộ”.Tại Viettel, Bùi Quang Tuyến là một giấc mơ của những người bình thường, không xuất sắc, không thân quen, chưa vào Đảng, không quân đội (chưa phải là người trong quân đội)... nhưng có ý chí mãnh liệt, dám nắm lấy cơ hội khi nó tới, chấp nhận những thử thách lớn, có tinh thần đồng đội cao và học hỏi bền bỉ không ngừng ở mọi nơi, mọi lúc. Khi được trao cơ hội và đặt đúng môi trường, những người như Tuyến đã trưởng thành nhanh chóng qua khó khăn, thử thách, qua những lần bị dồn vào chân tường, khẳng định được mình và đem lại những đóng góp không nhỏ cho tổ chức. Cuối năm 2005, khi mới nhận chức Phó giám đốc kinh doanh của Viettel Mobile, Tuyến bảo mình chỉ là "một anh chàng nhà quê, lôm côm, ngoại đạo” thì nay Tuyến vẫn tự nhận mình là "một anh chàng nhà quê, lôm côm” chỉ bớt đi từ “ngoại đạo”. Tuyến nhận mình vẫn “nhà quê, lôm côm" vì: "Viettel Telecom phát triển quá nhanh, quy mô đã ở mức quá lớn mà kiến thức cũng như việc học hành của mình thì vẫn chưa theo kịp". Và câu chuyện bao giờ Tuyến thấy mình hết "nhà quê, lôm côm" sẽ còn là một câu chuyện rất dài. Riêng tôi, tôi mong Việt Nam sẽ có thêm nhiều người "nhà quê, lôm côm" như Tuyến.

Không có nhận xét nào: