Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

Hành trình tỉ phú của người thợ sửa đồng hồ

Lý mà ông rút ra được từ cái nghề sửa đồng hồ của mình: một cỗ máy là tổng hợp của hàng trăm bộ phận to nhỏ khác nhau, mà mỗi thứ đều phải là một phần hoàn hảo nhất để có được sự đồng bộ và sức mạnh chung. Gia sản hàng trăm tỉ đồng mà ông đang có, với ông, đơn giản chỉ vì ông là người biết cách tạo dựng và sửa chữa những bộ phận trong một cỗ máy mà ông đã dùng cả cuộc đời để tìm ra. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Tấn Lộc, chủ tịch Công ty Hoàng Lộc ở Dăk LăkTôi là thợ bạc ở Tuy Hoà, Phú Yên, xuôi vô Buôn Ma Thuột trước giải phóng làm thợ bạc, sau đó thì không có vốn liếng gì nên mở ra sửa chữa buôn bán đồng hồ. Tôi là người tỉ mỉ, chi li, như cách vận hành từng cái bánh răng, cây kim… điều đó nó quyện vào người cho đến giờ, mọi thứ đều phải là một bộ máy, một nguyên lý hoạt động một cách hoàn hảo. Trong kinh doanh, tôi cũng nghĩ nó phải vậy, luôn phải có một bộ máy và những chi tiết phải thật tỉ mỉ và gắn kết chặt chẽ với nhau.Thời đó, cũng mấy chục năm rồi, người ta chỉ buôn đi bán lại kiếm chút đỉnh đồng lời. Nhưng tôi thì nghĩ, sao cứ phải ngồi không chờ mối tới bỏ hàng, rồi lại chờ khách tới lấy hàng, bấp bênh quá. Tự dưng, nhớ lại những bánh xe trong cái đồng hồ, nó cứ nối nhau, quay vòng… Vậy là làm liều, xách giỏ, nhảy xe đò xuống nông trường Tân Lộc, Long An mua thơm, tìm cách mua tận gốc – bán tận ngọn. Mua thì bao nhiêu cũng có, mới phải đi tìm đường bán. Buôn Ma Thuột nhỏ quá, thế là lại xách xe, đi lòng vòng các tỉnh, huyện lân cận tìm đầu ra. Nói thì dễ, chứ làm thì cũng bầm mình bầm mẩy dữ lắm.Cách đây mười một năm, bạn bè chỉ cho một nhà hàng muốn sang lại. Vợ chồng bàn, con cái góp ý. Thôi thì có phước làm quan, có gan làm giàu, tôi cũng thử “gan” một lần. Giai đoạn đầu rất ngỡ ngàng, suy nghĩ lại như cách làm trước đây khi mua trái thơm, tìm cách kết nối và xây dựng hệ thống các nhà cung cấp, đầu bếp… Bà xã tôi trong lúc buôn bán ngoài chợ thì quan sát và học hỏi từ bạn hàng, cứ vừa học vừa làm…Vợ tôi lúc đó chỉ biết qua chuyện bếp núc do thường hay đi nấu đám cưới giúp cho vợ chồng, anh em. Gian nan nhất sau khi sang lại nhà hàng, mình không biết nghề, hệ thống bếp liên kết với những người quản lý chống đối rất dữ dội người chủ mới. Do đó, tôi đã sử dụng một con đường của ông bà mình dạy: lui một bước để tiến dài hơn ba bước. tôi nghĩ đó là câu chuyện của những người làm ăn kinh doanh, phải biết cách sử dụng con người.Lúc đó, con gái tôi đang học quản trị kinh doanh năm thứ 3 ở Sài Gòn. Quán Ngon rất phức tạp nên con gái phải bỏ học về giúp bố mẹ, nên cho tới giờ cũng đã không lấy được bằng. Ở đời luôn có những cái được và cái mất chứ không cầu toàn được.Còn cái khách sạn này, là một câu chuyện dài lắm. Nó có một sự thai nghén. Khu đất này là một cái sân bay cũ, tôi nghĩ rằng đây là một nơi có khả năng phát triển tốt. Tôi hình dung như thế, nên phải tìm mọi cách để có một miếng đất. Tôi tin rằng tiến trình xã hội tất yếu là phải đi lên, vì Việt Nam gia nhập WTO, bình thường hoá với Mỹ rồi mà. Tôi nghĩ rằng, mình muốn phát triển nhiều hơn nữa. Khoảng 5 năm nữa thì tìm một chỗ thích hợp và ngay trung tâm để đầu tư một khu văn phòng cho thuê. Hiện nay nhu cầu này chưa lớn, nhưng tôi tin rằng 5 năm nữa sẽ nóng. Tôi quan sát chính sách thì biết rằng Buôn Ma Thuột sẽ là thủ phủ của Tây Nguyên với nhiều dự án lớn.Trong kinh doanh của tôi, cái lớn nhất và đáng nhớ nhất là lúc chuyển sang hướng không phải lĩnh vực của mình và không thể phát triển được là làm nghề cho vay. Cách đây khoảng 8 năm tôi cho người ta vay để trồng cà phê, vì lúc đó giá cà phê cao, nhu cầu vốn để đầu tư rất lớn. Đến năm sau thì giá rớt xuống thê thảm. Tôi đã bị mất một khoản tiền rất lớn. Đó là một bài học về phát triển định hướng kinh doanh, còn lại tôi nghĩ là mình rất có cái duyên trong ngành dịch vụ và sẽ cố gắng phát triển nó trong mức có thể.Bạn hỏi tôi có giàu không? Theo tôi nghĩ, làm kinh doanh thì lòng tham con người nó vô tận lắm. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng tôi có gì thì cũng phải làm, có thất bại hay thành công thì cũng phải làm, vì máu kinh doanh nó chảy trong huyết quản, nên tiền bạc hay không không thành vấn đề. Tôi hay dạy con rằng, làm gì thì làm, nhưng phải thực hiện đúng tiêu chí của ông bà mình: phi thương bất phú. Doanh nghiệp nào cũng phải cần tiền, muốn bền vững thì phải đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu. Muốn hơn đối thủ cạnh tranh của mình thì phải biết cạnh tranh một cách lành mạnh, có nghĩa là tôi sẽ làm mọi thứ tôi có thể làm để tôi hơn anh chứ không phải dùng xảo thuật để đạp anh xuống. Nhưng tôi cũng phải biết cách bảo vệ mình. Nói về xã hội thì muôn hình vạn trạng, thương trường là chiến trường, kế hoạch của mình cũng tồn tại nhưng điểm yếu của mình phải biết để mà tránh.Điều tôi tự hào nhất là mình đang có một gia đình hạnh phúc, con cái biết nghe lời cha mẹ và có một định hướng cho tương lai. Trong kinh doanh thì biết thế nào, mai có ra sao thì cũng bình thường thôi, không sao. Còn gia đình là còn tất cả.Cái logo này, bạn chê xấu thì cũng không sao. Tôi thích nó vì nó là hình ảnh con thuyền, phía trên là chữ Hoàng Lộc. Con thuyền chở Hoàng Lộc ra biển khơi rộng lớn. Mà đã ngồi trên một con thuyền thì phải biết cách lèo lái vững vàng. Và quan trọng hơn, đích đến của tôi là vô hạn. Còn tôi, thì sẽ còn những chuyến ra khơi, và tôi sẽ chuyển bánh lái cho con cháu mình sau này.

Không có nhận xét nào: